Thứ Ba, 22 tháng 11, 2016

CÁCH LÀM GIÁ ĐỖ ĐƠN GIẢN - LÊN ĐỀU TĂM TẮP CHỈ VỚI 1 CHIẾC KHĂN


  Mình sẽ hướng dẫn thật chi tiết và kặn kẽ để nâng cao tỷ lệ thành công cho các bạn. Đơn giản trong khâu sản xuất, gọn nhẹ trong khâu thu dọn và thành phẩm cực chuẩn là những ưu điểm của cách làm này.


Giá đỗ (hay còn gọi là giá, rau giá) được làm từ hạt đậu xanh, là một trong những loại rau mầm có giá trị dinh dưỡng rất cao. Theo một tài liệu mình đọc được, giá đỗ chứa rất nhiều vitamin và khoáng chất. Không những chứa hàm lượng cao protein, vitamin C, acid folic, enzyme. Giá đỗ còn được sử dụng trong ăn kiêng và là một trong các thực phẩm có thể ngăn ngừa ung thư do trong thành phần có những enzyme có thể kháng lại carcinogens (các tác nhân gây ung thư).
Về cách làm giá đỗ, nếu bạn bạn search trên google thì có vô vàn, và hầu hết đều nói là rất đơn giản. Nhưng thực tế, mình thấy các cách làm ấy khá chung chung, chưa đi vào chi tiết, cụ thể và nhất là chưa có các lưu ý, thận trọng khi làm giá đỗ xanh nên có nhiều bạn dù làm đúng như chỉ dẫn nhưng giá vẫn bị thối, bị gãy ngang thân, bị nhớt… Có cách làm thì đạt hiệu quả, nhưng dụng cụ lại khá lỉnh kỉnh và tốn công vệ sinh, dọn dẹp sau khi thu hoạch. Hôm nay, mình sẽ mách các bạn một cách làm giá đỗ cực kỳ.. cực kỳ là đơn giản và rất… rất gọn gàng về khâu dụng cụ. Chỉ với một chiếc khăn mỏng và một chiếc rổ nhựa, bạn có ngay món giá đỗ ngon, giòn, bổ dưỡng. Do muốn nâng cao tỷ lệ thành công, mình sẽ hướng dẫn thật chi tiết, có cả các lưu ý trong mỗi giai đoạn ủ giá đỗ. Vì vậy dù có hơi dài tý thì các bạn thông cảm nhé.
Bước 1: chuẩn bị nguyên liệu và dụng cụ.
- Nguyên liệu:
Bạn chọn đậu xanh đều hạt, không bị mốc, mọt, thối… Rồi rửa sạch đậu. Ngâm đậu với nước từ 8 đến 10 tiếng đồng hồ (mình thường để qua đêm). Trọng lượng đậu ngâm tùy vào kích cỡ của chiếc rổ nhựa (dụng cụ làm giá). Mình thường dùng khoảng 200gram đậu xanh cho một chiếc rổ đường kính 30cm, chiều cao 10-15cm.
- Dụng cụ:
+Rổ nhựa loại sâu lòng, mắt nhỏ: 1 cái (kích cỡ tùy thích, rổ to thì làm nhiều đậu, rổ nhỏ thì làm ít đậu). Bạn nên chọn loại rổ có mắt nhỏ hơn kích thước hạt đậu  để không làm đậu bị rơi ra ngoài.
+ Hai chiếc khăn mỏng có kích thước bằng hoặc lớn hơn so với đường kính chiếc rổ. Cái này dễ lắm, bạn có thể dùng khăn mùi xoa, một chiếc áo cũ có chất liệu vải mỏng và dễ giặt. Vì sao phải là khăn mỏng: Thứ nhất là để rễ thoát nước, giá không bị úng. Thứ 2 là để không tích nhiệt (làm giá bị nóng), thứ 3 là để dễ giặt giũ (tiết kiệm công sức và dễ tái sử dụng). Thực ra mình chỉ cần một chiếc khăn, chiếc khăn thứ 2 là để phủ lên chốc mặt giá, công dụng chủ yếu là để thuận lợi cho quá trình tưới nước sau này. Nếu bạn nào thấy không cần thiết thì có thể chỉ dùng 1 chiếc khăn mà thôi.
Bước 2: ủ giá.
Đậu đã ngâm nở, bạn nhẹ nhàng rửa sạch lại (nhẹ ngàng kẻo tróc vỏ đậu); nhúng ướt hai chiếc khăn, trải 1 khăn mỏng xuồng đáy rổ nhựa; trải đều tất cả đậu xanh lên trên chiếc khăn; lấy chiếc khăn thứ 2 phủ kín lớp đậu xanh vừa trải. Để chiếc rổ vào chỗ tối. Mình thường kê chiếc rổ lên một chiếc ghế nhựa rồi để trong nhà tắm. Sau đó đóng cửa nhà tắm lại cho tối. Đó là do nhà mình chỉ sử dụng nhà tắm vào buổi tối (khi đó mình sẽ cho chiếc rổ ra ngoài, trời tối thui rùi mà…). Thực ra trong khoảng 2 ngày đầu, bạn chỉ cần để giá ở chỗ mát và tưới nước ngày 3 lần. đến ngày thứ 3 giá phát triển mạnh bạn nhất thiết không được để giá tiếp xúc với ánh sáng. ánh sáng sẽ khiến giá quang hợp, giá sẽ xanh và đắng.
giá 2 ngày tuổi
 Bạn tưới nước cho giá ngày 3 lần (sáng- trưa- tối).
Cách tưới như sau: Những ngày đầu khi giá mới nảy mầm, bạn tưới bằng vòi hoa sen hoặc dưới vòi nước, hoặc múc tước bằng vật dụng gì đó rồi dội lên chốc mặt rổ cho đều là được. Mình hay tưới bằng vòi hoa sen, nước vừa đều, vừa không quá mạnh làm giá bị trôi, bị dồn. Trong khâu này, bạn nhớ tưới nhẹ và đều, tránh làm cho giá bị trôi thành từng mảng. Mếu bạn dùng chiếc khăn thứ 2 như mình nói, tình trạng này sẽ được hạn chế rất nhiều.
Đến khoảng ngày thứ 3, giá đã lớn hơn rất nhiều, nhiệt lượng cũng sinh ra nhiều hơn nên bạn cần tăng số lần tưới nước. Mỗi lần tưới khoảng 30 giây đến 1 phút. Bạn cũng có thể lựa một chiếc thau vừa với chiếc rổ chúng ta đang ủ giá. Cho rổ vào thau, đổ nước cho ngập giá ngâm trong khoảng 10 phút rồi nhấc ra, để thật ráo nước. Nhớ là để thật ráo nước nhé (để trên ghế nhựa nho nhỏ như mình là một trong những cách tối ưu, không bị đọng nước). Và nhất định bạn phải dùng nước sạch, không dùng lại lượng nước đã ngâm giá cho lần ngâm tiếp sau, giá sẽ rất dễ bị nhiễm khuẩn.
Chỉ cần bạn đảm bảo giá không bị quá nóng, được tưới nước sạch thường xuyên, để ở chỗ tối và mát thì tỷ lệ thành công là 100%.
giá 4 ngày tuổi - Làm giá đỗ đơn giản

Có bạn cũng làm giá theo cách của mình, nhưng lót rất nhiều lớp khăn để tạo thành các lớp giá khác nhau. Cũng được thôi, nhưng theo mình điều ấy thực sự không cần thiết. Không những vậy còn gây ra một số phiền toái như: thành phẩm nhiều rễ, phải giặt giũ nhiều khăn, tiêu tốn thời gian, công sức, của cải, giá dễ bị nhiễm khuẩn (nếu khăn không được sạch sẽ), giá bị thối, nhớt (vì khó thoát nhiệt)... Nếu bạn lo lắng rằng không lót nhiều khăn sẽ làm giá không có chỗ bám rễ. Bạn cứ yên tâm là các bạn giá đỗ của chúng ta rất thông minh, chúng sẽ tự biết cách lớn lên. 
Bởi vậy, khi làm giá, các bạn chỉ nên tính về mối quan hệ giữa chiếc rổ với giá thành phẩm. Ở bên trên mình nói kích cỡ rổ tùy thích, rổ to thì làm nhiều đậu, rổ nhỏ thì làm ít đậu là tính thành phẩm làm ra. Trung bình cứ 100gram đậu sẽ cho 0.5- 01kg giá đỗ tùy vào kích cỡ to, nhỏ, dài, ngắn của giá đỗ. bạn cho nhiều đậu, lớp dày hay mỏng không quan trọng, nhưng phải đảm bảo đủ diện tích và không gian cho các bạn ý lớn, đảm bảo không để giá “nhảy ra ngoài” khi trưởng thành.
 Khi bạn mới làm, mình khuyên không nên ham cho nhiều đậu, bạn chỉ nên cho một lớp đậu mỏng chừng 0.5cm là đủ, làm mấy lần, có kinh nghiệm bạn sẽ làm được cả 5-7kg giá/lần thu hoạch là chuyện bình thường.
Tùy thời tiết (trời ấm thì nhanh, trời lạnh thì lâu), khoảng 4-6 ngày chúng ta sẽ thu hoạch được giá.
Bước 3: Thu hoạch
Sau 5 ngày, bạn lấy một chiếc thau to, đổ ụp chiếc rổ đựng giá đỗ vào đó, nhẹ nhàng nhấc chiếc khăn nơi đáy rổ ra ngoài. Bạn rửa sạch giá, dùng một chiếc rổ mắt to để rửa sẽ nhanh chóng loại bỏ vỏ đậu và có được những ngọn giá trắng nõn, giòn ngọt cực kỳ bổ dưỡng.
thu hoạch thôi

Lưu ý khi rửa giá: bạn nên rửa nhẹ nhàng, tránh làm giá bị gãy và nhớ là rửa thật sạch (đến khi nước trong). Sau khi rửa, bạn vảy khô, rồi để lại giá vào chỗ tối chừng 1 giờ đồng hồ (mục đích là để giá tiếp tục hút nước, làm cho bề mặt giá khô, giá sẽ rất lâu hỏng). nếu làm đúng như mình hướng dẫn, bạn có thể bảo quản giá trong tủ lạnh hàng tuần mà giá vẫn tươi ngon như thường.
Rau ngắn ngày siêu hấp dẫ đã ra lò


Bạn giặt sạch chiếc rổ và chiếc khăn để sử dụng cho các lần sau nhé. Kinh nghiệm của mình là giặt rổ, khăn, rũ sạch; sau cùng ngâm chúng vào nước có pha ít giấm trắng để loại bỏ hoàn toàn xà phòng (đây là phản ứng axít và bazơ phải không nhỉ?), phơi khô, đồ dùng sẽ rất sạch và không còn các chất độc hại.
Giá đỗ là một trong những "công trình" tâm huyết và vật vã của mình. Có những lần ủ cũng cẩn thận lắm, ấy vậy mà thành phẩm có lúc bị gãy, lúc bị nhớt... Có lúc định bỏ cuộc rồi, nhưng cái máu "háo thắng" nổi lên, vậy là lại lăn vào làm. Đặc biệt là sau khi biết nó tốt, nó bổ (nhất là cho baby của mình), mình đã quyết tâm và trinh phục mấy "em chân dài" ấy với cách làm như trên. Cảm giác tạo ra những ngọn giá giòn, trắng muốt và mọng nước thật là tuyệt.
Chuẩn "sexy", ngon mê ly

Chúc các bạn đã từng gặp sự cố với giá đỗ, các bạn có ý định làm giá đỗ... sẽ thành công. Cảm ơn vì đã đọc bài của mình.

2 nhận xét:

  1. cách làm rất hay mọi người. Thank you very much

    Trả lờiXóa
  2. Thế mới thấy có rất nhiều cách làm giá đỗ khác nhau mà mình có thể tự thực hiện tại nhà, tránh mua phải sản phẩm ngâm hóa chất ngoài chợ.

    Trả lờiXóa