Chủ Nhật, 25 tháng 12, 2016

CÁCH NẤU MÓN GIẢ CẦY NGON ĐÚNG VỊ

Không dấu gì các bạn, giả cầy là một trong những món khoái khẩu của cả nhà mình (trong đó mình và ox là hai fan ruột). Có rất nhiều cách, công thức nấu giả cầy cũng như nhiều người biết nấu giả cầy. Nhưng để có thể khơi dậy được hương vị đặc trưng và độ “quyễn rũ” của món ăn tuyệt vời này thì không phải ai cũng biết.
Hôm nay, mình xin chia sẻ với các bạn cách nấu giả cầy tạm gọi là gia truyền vì mình được mẹ chồng truyền lại và cộng thêm kinh nghiêm thực tế của bản thân. Tin rằng cách nấu này sẽ làm bạn hài lòng.
Để làm món giả cầy ngon đúng vị, mỗi khâu từ chọn, sơ chế, ướp đến nấu đều rất quan trọng. Mình sẽ hướng dẫn chi tiết và tỉ mỉ đến các bạn nhé.
Bước 1: Chọn nguyên liệu
- Thịt ba chỉ, khoảng 500gram.
Có nhiều bạn dùng thịt chân giò, mình thì đã nấu giả cầy với cả thịt vai, ba chỉ, chân giò, thịt nạc 100% và thấy cả ba loại đều ngon nhưng khác nhau một chút. Thịt nạc nấu giả cầy sẽ bị khô, kém  ngon. Thịt vai khá hơn thịt nạc nhưng phần nạc và phần mỡ khi nấu nhừ thường bị tách ra, làm giảm thẩm mỹ cũng như độ ngon. Thịt chân giò nấu ngon, nhưng thường nhiều mỡ và da, nhà nào có mấy baby thì tránh dùng loại này vì bố mẹ sẽ phải bao thầu hết chỗ móng, da, mỡ. Thịt ba chỉ nấu mềm, thịt và mỡ đan xen nên ít khi bị tách ra trong quá trình nấu và chế biến nhanh hơn thịt chân giò. Từ những phân tích ở trên, bạn nào thấy hợp với loại nào thì tha hồ chọn nhé. Riêng mình kết thịt ba chỉ để đỡ công chế biến mà vẫn đạt được độ ngon như ý.
- Sả: 3-5 nhánh
- Riềng: 1 củ vừa. Bạn nên chọn loại giềng già sẽ thơm hơn giềng non.
- Ớt: 2, 3 quả
- Hành 3 củ, tỏi khoảng 3 tép.
- Mắm tôm, mẻ, ngũ vị hương, đường, bột ngọt, muối.

Bước 2: Sơ chế nguyên liệu.
- Sả bạn đập dập rồi băm nhỏ (đập dập trước khi băm nhỏ khiến sả dễ băm và thơm hơn). Riềng thái lát mỏng, ớt bỏ hạt thái khoanh, hành tỏi bóc vỏ, thái mỏng. Tất cả các loại trên bạn cho vào cối say sinh tố say cho nát rồi đổ ra cối tiếp tục giã cho thật nhuyễn. Tại sao cần phải bỏ cả vào cối say sinh tố và bỏ vào cối thường giã nhuyễn. Bỏ vào cối sinh tố là để máy thay bạn làm nhỏ các loại gia vị, sau đó bạn chỉ cần bỏ vào cối giã một chút là gia vị sẽ nhuyễn. Nếu chỉ say bằng máy thì gia vị chỉ nát, không nhuyễn, không tạo được mùi thơm. Nếu bạn chỉ dùng cối giã tay thì bạn sẽ giã rất lâu, rất mỏi tay mới đạt đến độ nhuyễn như mong muốn.

- Thịt ba chỉ mua về rửa sạch, nướng xém phần da. Sau đó, rửa lại lần nữa và cắt thành tiếng từng miếng vừa ăn. Bạn có thể nướng thịt bằng than hoa, lò vi sóng hay lò nướng đều được. Sao cho yêu cầu thành phẩm là phần da có màu nâu vàng, phần thịt bao quanh hơi xém xém là ổn. Thực ra nếu bạn nào ngại làm công đoạn này thì cũng không sao, bạn không cần nướng thịt, độ ngon vẫn đảm bảo đạt khoảng 90%.


Xin chia sẻ cách thui thịt làm giả cầy rất tiện, hiệu quả, nhanh và gọn của mình như sau: rửa sạch thịt, để ráo, dùng chiếc khò gà (loại dụng cụ dùng nhiên liệu là bình ga mini, có vòi đánh lửa) bật lửa lên và khò đều các mặt của miếng thịt cho tời khi thịt vàng, thơm là ok. Cách này rất tuyệt vời, đảm bảo không cần lỉnh kỉnh bếp than, bếp nướng, không cần dọn rửa nhiều dụng cụ mà độ ngon thì chuẩn 100%.

Bước 3: Ướp thịt
- Đem phần thịt thái miếng nhỏ, trộn với phần gia vị đã được giã nhuyễn và cho thêm các loại gia vị như sau: 3 muỗng canh mẻ chua (nếu thích ăn chua hơn thì bạn cho thêm, cái này tùy khẩu vị); 1 ít mắm tôm (cho nhiều quá sẽ bị gắt bạn nhé); 1 muỗng đường, ít muối, bột ngọt và một muỗng cà phê ngũ vị hương. Sau đó trộn đều và ướp khoảng 30 phút. Nếu bạn nêm nếm chuẩn thì tới lúc này đây, mùi thơm từ nồi giả cầy đã tỏa ra ngào ngạt rồi.

          Bước 4. Nấu
          Đây là bước quan trọng và khá khó đấy bạn nhé. Đối với món giả cầy, một trong những yếu tố quyết định độ ngon của món ăn chính là dùng nước tự nhiên trong thịt để nấu chín chứ không cho thêm nước lọc. Muốn vậy, bạn dùng nồi đáy dày, khi bắc nồi lên bếp nấu bạn để lửa nhỏ, thường xuyên khuấy để thịt ra nước. Sau khi thịt đã ra nước và sôi đều, bạn có thể thêm một chút nước sôi. Nhưng bạn lưu ý nhé, phần nước này là để hỗ trợ trong việc làm mềm thịt nếu lượng nước thịt tiết ra quá ít. Khi thịt chín mềm vừa ăn, bạn sẽ mở nắp nồi, nấu cho lượng nước bốc hơi đi, khi nào thấy nước trong nồi giả cầy sệt sệt, keo keo là được. Giả cầy nấu xong thường có một lớp váng mỡ đóng trên mặt. Nếu bạn nấu thành công, sau khi để nồi giả cầy nguội, bạn sẽ thấy lớp mỡ này và lượng nước hầu như không còn.

Giả cầy là làm giả thịt cầy (thịt chó), mà cụ thể là giả món rựa mận (hay nhựa mận). Chính vì vậy, giả cầy phải có “rựa” hay “nhựa” thì mới ngon. Như lúc nãy mình nói, nó phải đặc và keo keo. Nấu giả cầy mà nước đi đằng nước, cái đi đằng cái là chưa thành công đâu bạn nhé!
Nồi giả cầy thơm ngon nhà mình đây ạ

Làm theo cách trên, bạn đã có một nồi giả cầy thơm ngon đúng vị rồi.
Rau ăn kèm gồm lá mơ lông tím, sả tươi, giềng tươi. Bạn có thể ăn kèm giả cầy với cơm nóng hoặc bún đều rất ngon.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét